Đền thờ Kinh Dương Vương – Về chốn thiêng thờ vua Thủy tổ

Những tư liệu được gìn giữ qua năm tháng chính là chứng tích quý báu của Nam Bang Thủy tổ với dân với nước. Theo Mộc bản triều Nguyễn, Kinh Dương Vương có tên húy là Lộc Tục, cháu họ Thần Nông.

Bên dòng sông Đuống hiền hòa, dưới tán xà cừ cổ thụ là nơi an nghỉ của Kinh Dương Vương. Trải qua nhiều nghìn năm, ngôi mộ vẫn giản dị như thuở nào. Mộ nằm trên gò đất nhìn ra sông, với thế phong thủy đầu gối sơn, chân đạp đất.

Trước kia nhân dân chỉ xây gạch cao để thờ cúng, sau này đền thờ Kinh Dương Vương được trùng tu tôn tạo thành khuôn viên lăng như ngày nay.

Đường vào lăng là tấm bia Hạt Mã nghĩa là “xuống ngựa”, chốn tôn nghiêm người đến phải xuống ngựa để thể hiện sự tôn kính. Đây là tấm bia cổ không rõ niên đại. Lăng Kinh Dương Vương được trùng tu gần nhất vào năm 2012, ngoài lăng là bức đại tự ghi 4 chữ “Nam Bang Thủy tổ”, nghĩa là vị vua tổ đầu tiên của nước Nam.

Kiến trúc khu lăng mộ gồm: cổng lăng ra vào chia làm 3 lối phân cách bằng các cột trụ lồng đèn, qua cổng lăng đi thẳng vào là phần mộ vua Kinh Dương Vương, hai bên tả hữu là bốn nhà văn chỉ, võ chỉ và nhà khách. Xung quanh trồng cây cối xanh rợp bóng mát cho khách tham quan.

Lăng được xây dựng trên một dải đất cao quay về hướng Bắc, bên hữu ngạn sông Đuống, phía sau là đê Đuống. Đài lăng được xây theo kiểu 2 tầng chồng diêm 8 mái, từ cổng đi thẳng vào là khu trung tâm lăng mộ, dựng tấm bia “Kinh Dương Vương lăng” được khắc vào năm 1840.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *